Vòng Chung Kết CTUT Startup 2024 – Nơi Hội Tụ Của Những Ý Tưởng Đột Phá và Sáng Tạo

Sáng ngày 17/08/2024, Vòng Chung kết Cuộc thi “Ý tưởng Khởi nghiệp, Đổi mới Sáng tạo CTUT Startup lần II năm 2024” do Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ tổ chức sẽ chính thức diễn ra. Cuộc thi là sân chơi trí tuệ, bùng nổ, quy tụ hàng loạt dự án khởi nghiệp xuất sắc, thể hiện tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm và khả năng nắm bắt xu hướng của sinh viên.

Các dự án vào chung kết năm nay vô cùng đa dạng, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm, công nghệ, giáo dục, thời trang cho đến du lịch và văn hóa. Dưới đây là chân dung của các dự án khởi nghiệp tiềm năng:

Lĩnh vực Nông nghiệp & Thực phẩm Sáng tạo

  • Cocovimilk – Sữa dừa sáp Dự án tập trung vào việc nâng tầm giá trị cho đặc sản dừa sáp của Đồng bằng sông Cửu Long. “Cocovimilk” là sản phẩm sữa dừa sáp được chế biến theo quy trình đảm bảo vệ sinh, cung cấp nhiều dinh dưỡng, với mục tiêu mang đến một thức uống nông sản sạch, chất lượng và cải thiện đời sống cho người nông dân.
  • Nước giải khát vỏ dưa hấu: Một ý tưởng độc đáo nhằm tối ưu hóa giá trị của quả dưa hấu bằng cách tạo ra một loại nước giải khát mới lạ, bổ dưỡng từ phần vỏ thường bị bỏ đi. Sản phẩm hướng đến việc giảm rác thải thực phẩm và mang lại lợi ích cho sức khỏe.
  • Phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp: Dự án đề xuất giải pháp tận dụng các phế phụ phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
  • Dứa nước rim khóm: Dự án khai thác đặc sản khóm của địa phương để tạo ra sản phẩm “Dứa nước Rìa Khóm”. Đây là một loại thức uống đóng chai tiện lợi, giữ được hương vị tự nhiên, không chất bảo quản, hướng đến đối tượng người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm sạch.
  • Yume Cake: Mang đến những chiếc bánh dứa handmade độc đáo, là sự kết hợp giữa bánh pía Sóc Trăng và nhân dứa, tạo nên hương vị vừa quen thuộc vừa mới lạ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường bánh kẹo.

Lĩnh vực Công nghệ & Tác động Xã hội

  • Ứng dụng Drone hỗ trợ trẻ em tự kỷ: Đây là một dự án mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bằng cách kết hợp công nghệ drone và nhận diện giọng nói, dự án tạo ra một phương pháp trị liệu mới, giúp kích thích tương tác, giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ tự kỷ (ASD).
  • Hệ thống chống trộm thông minh cho xe máy: Trước vấn nạn trộm cắp xe máy, dự án đã phát triển một hệ thống chống trộm thông minh, dễ dàng lắp đặt, tích hợp SIM 4G giúp định vị chính xác, cảnh báo nhanh chóng qua điện thoại, bảo vệ tài sản cho người dân một cách hiệu quả.
  • Hệ thống tưới nước và thắp sáng tự động cho vườn thanh long ứng dụng IOT: Dự án ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) để tạo ra một hệ thống tự động hóa việc tưới tiêu và chiếu sáng cho các vườn thanh long. Giải pháp này giúp tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa nguồn nước, tăng năng suất cây trồng và có thể điều khiển linh hoạt qua ứng dụng BLYNK.

Lĩnh vực Thời trang, Mỹ phẩm & Văn hóa

  • Áo thun Raconteur: Không chỉ là một sản phẩm thời trang, “Raconteur” còn là một “người kể chuyện” về văn hóa Cần Thơ. Mỗi chiếc áo thun được thiết kế logo độc đáo và tích hợp mã QR dẫn đến website giới thiệu về các địa điểm, câu chuyện đặc trưng của thành phố.
  • Son môi Natural Lipstick: Đánh vào xu hướng làm đẹp an toàn, dự án sản xuất son môi từ các thành phần hoàn toàn tự nhiên, không chứa hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng và thân thiện với môi trường.
  • Dầu gội thảo dược từ ngải cứu và tinh dầu bưởi: Điều chế dầu gội có tính chất chống viêm da đầu, dưỡng tóc từ các thảo dược thiên nhiên. Thảo dược thiên nhiên là cao chiết từ cây ngải cứu và tinh dầu bưởi, sản phẩm thân thiện với môi trường.
  • Dự án khởi nghiệp “Âm sắc phương Nam”: Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, dự án tập trung vào việc quảng bá và kinh doanh các sản phẩm nhạc cụ truyền thống của Nam Bộ, khơi dậy tình yêu âm nhạc dân tộc trong cộng đồng.

Lĩnh vực Du lịch & Dịch vụ

  • Panacea Camp: Dự án xây dựng các tour du lịch cắm trại trải nghiệm, đưa du khách “chìm đắm vào thiên nhiên hoang sơ” tại các địa điểm nổi tiếng như Bảy Núi, Tà Pạ, Ba Động… Mô hình này hứa hẹn mang lại những giá trị về kinh tế, xã hội và giúp chữa lành tâm hồn.

Sự đa dạng và chất lượng của 13 dự án tại Vòng Chung kết CTUT Startup 2024 một lần nữa khẳng định tiềm năng và sức sáng tạo vô hạn của thế hệ trẻrường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ. Chúc tất cả các đội thi sẽ hoàn thành xuất sắc phần thi của mình và hy vọng rằng những ý tưởng này sẽ sớm được hiện thực hóa, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Cần Thơ và cả nước.