Giới thiệu Khoa Kinh tế – Quản lý công nghiệp

Khoa Quản lý công nghiệp được thành lập theo Quyết định số 66/QĐ-ĐHKTCN của Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ ngày 11 tháng 04 năm 2013. Năm đầu mới thành lập, Khoa Quản lý công nghiệp chỉ có 10 viên chức giảng dạy phụ trách 01 chương trình đào tạo trình độ đại học với 71 sinh viên ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp.

Năm 2014, Khoa Quản lý công nghiệp lập Ðề án mở ngành đào tạo ngành Quản lý công nghiệp. Năm 2019, Khoa mở ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Năm 2021, nhận thấy nhu cầu nhân lực thuộc các ngành khối kinh tế là rất cần thiết cho sự phát triển của thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long, Khoa mở thêm 03 chương trình đào tạo các ngành Quản trị kinh doanh, ngành Tài chính – Ngân hàng và ngành Kế toán, nâng số ngành đào tạo trình độ đại học của Khoa Quản lý công nghiệp lên 06 ngành với số lượng sinh viên đang theo học là 1.369 sinh viên (tính đến tháng 10 năm 2022).

Khoa Quản lý công nghiệp đã chính thức đổi tên thành Khoa Kinh tế – Quản lý công nghiệp theo Quyết định số 839/QĐ-ĐHKTCN của Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ ngày 22 tháng 12 năm 2022. 

Đến nay, đội ngũ giảng viên cơ hữu của Khoa hiện có 63 giảng viên gồm 01 Phó giáo sư – Tiến sĩ, 12 Tiến sĩ, 49 Thạc sĩ, 01 Kỹ sư. Cơ cấu tổ chức của Khoa gồm Ban chủ nhiệm, các Bộ môn, Hội đồng Khoa học và Ðào tạo, Trợ lý Khoa và các tổ chức đoàn thể, hội.

Chức năng

Khoa Kinh tế – Quản lý công nghiệp là đơn vị quản lý hành chính cơ sở của Trường về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kinh tế, quản lý, kỹ thuật công nghiệp và chuỗi cung ứng.

Nhiệm vụ

  • Đề xuất thay đổi về tổ chức, nhân sự trong khoa; quản lý và tổ chức giảng dạy các học phần thuộc Khoa quản lý; mời giảng các học phần thuộc Khoa quản lý khi không có giảng viên của Trường đảm nhận.
  • Tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức xây dựng kế hoạch giảng dạy, học tập và chủ trì tổ chức quá trình đào tạo các chuyên ngành do Khoa quản lý.  
  • Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, phát triển chương trình đào tạo và cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. 
  • Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, chủ động khai thác các dự án hợp tác quốc tế; phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. 
  • Quản lý viên chức, giảng viên thuộc Khoa theo phân cấp của Hiệu trưởng. 
  • Quản lý nội dung, phương pháp, chất lượng đào tạo, chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ của Khoa.
  • Quản lý, sử dụng tài sản, thiết bị, cơ sở vật chất thuộc Khoa. 
  • Tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình môn học do Hiệu trưởng giao; tổ chức nghiên cứu, cải tiến phương pháp dạy học, học tập; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị dạy – học, thực hành, thực tập.
  • Tổ chức đánh giá cán bộ quản lý, giảng viên, kỹ thuật viên thuộc Khoa; tham gia đánh giá cán bộ quản lý cấp trên, cán bộ quản lý ngang cấp theo quy định của Nhà trường.
  • Thực hiện công tác khác có liên quan do Hiệu trưởng giao.