Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp và đặc biệt là sự quan tâm của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, vì tính cấp thiết của nó trong việc đào tạo và cung cấp nguồn lao động có chuyên môn giao vận nội địa và giao thương quốc tế. Hiện tại, kinh tế vận tải là một trong những lĩnh vực đóng góp rất lớn vào GDP và sự phát triển quốc gia. Đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, các doanh nghiệp trong nước có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng sôi động, sẽ càng tạo sức bật cho sự phát triển hơn nữa của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Mục tiêu phát triển của ngành Logistics đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt, với tốc độ tăng trưởng 15 – 20%, đóng góp vào GDP từ 8 – 10%. Để đạt mục tiêu này, từ nay đến 2025 ngành Logistics cần thêm 300.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn tốt. Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ Logistics, trong đó số doanh nghiệp 100% vốn trong nước chiếm khoảng 89%. Hiện tại, Việt Nam cần tới 20.000 nhân sự chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu của ngành Logistics, nhưng mới chỉ có khoảng 15 cơ sở đào tạo (đại học/sau đại học và cơ sở dạy nghề) về chuyên ngành Logistics hoặc các chuyên ngành có liên quan đến Logistics[1]. Con số này chưa đủ đáp ứng được nhu cầu thực tế về lao động chuyên ngành Logistics. Mặt khác, chất lượng nhân lực trong ngành hiện nay còn nhiều hạn chế như: khả năng ứng dụng lý thuyết vào thực tế còn thấp, lao động thiếu tính chuyên nghiệp và tác phong công nghiệp trong làm việc,… Bên cạnh đó, khoảng cách và yêu cầu giữa các doanh nghiệp dịch vụ Logistics trong nước và ngoài nước khá lớn và rõ rệt, nếu lao động không được đào tạo bài bản và rèn luyện thích hợp sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện tại trong năm 2018, khu vực ĐBSCL chưa có trường nào đào tạo về chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng ở bậc đại học chính quy hoặc cao đẳng nghề. Vì thế, khả năng đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng từ hoạt động đào tạo tại địa phương là rất cần thiết. Nhận thấy được tầm quan trọng, tính cấp thiết và nhu cầu lao động cao của thị trường, Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, Khoa Quản lý công nghiệp, năm 2019, đã mở ngành đào tạo mới “Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng” và bắt đầu đợt tuyển sinh đầu tiên với 56 sinh viên. Trong tương lai Nhà trường và Khoa sẽ tiếp tục mở rộng tuyển sinh và phát triển, nâng cao đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.